Bệnh đau đầu khiến người mắc cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, không tập trung được vào công việc. Chất lượng cuộc sống giảm sút. Tuy vậy, nhiều người vẫn chủ quan không đi khám cho đến khi triệu chứng lặp lại thường xuyên, nặng hơn mới đến bệnh viện. Có nhiều dạng đau đầu với các nguyên nhân khác nhau. Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nguyên nhân gây nên những cơn đau đầu?
Đau đầu là một triệu chứng cảnh báo bệnh lý, hoặc do tác động khách quan như môi trường, thời tiết, áp lực… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đau đầu.
Đau đầu có thể do tổn thương cấu trúc bên trong não bộ hoặc không. Xác định nguyên nhân đau đầu còn phải dựa vào cường độ, tính chất, vị trí đau đầu, khoảng thời gian giữa những cơn đau đầu và những triệu chứng kèm theo. Tùy theo từng trường hợp cụ thể với biểu hiện lâm sàng khác nhau, bác sĩ sẽ chỉ định các chẩn đoán cận lâm sàng như chụp CT, MRI, điện não đồ, chọc dò não tủy… để xác định nguyên nhân và tình trạng bệnh. Đây là những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh phổ biến để xác định nguyên nhân gây đau đầu.
Các loại bệnh đau đầu thường gặp?
Bệnh đau đầu do căng thẳng
Cơn đau đầu xuất hiện khi bị stress, mệt mỏi, gặp tiếng ồn, ánh sáng mạnh. Người bệnh cảm thấy đau nhiều ở cổ, vùng chẩm, thái dương, trán, cơn đau bóp siết chặt vùng đầu, đè ép. Cường độ đau tăng dần theo tần suất cơn đau.
Vị trí đau có thể cả đầu hoặc thay đổi thường xuyên không cố định. Sử dụng các thuốc giảm đau thông thường không có kết quả. Tuy nhiên có thể giảm đau khi được xoa bóp, thư giãn, tắm nước nóng, ngủ đủ… Việc loại bỏ, hạn chế căng thẳng, áp lực kéo dài sẽ giúp bệnh nhân đỡ đau dần.
Đau nửa đầu
Trường hợp này, bệnh nhân thấy đau một bên theo nhịp đập của mạch. Có thể xuất hiện triệu chứng đau nửa đầu hoặc toàn đầu. Cơn đau âm ỉ khiến bệnh nhân chán ăn, buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, nhìn mờ. Đau từ từ tăng dần, kéo dài vài giờ hoặc lâu hơn.
Các nguyên nhân gây đau nửa đầu:
Đau do giãn mạch
Đau trường hợp này liên quan đến mạch máu giãn quá mức, các dấu hiệu thần kinh đi kèm do sự co mạch của các nhánh động mạch cảnh trong. Có thể xuất hiện triệu chứng rối loạn thị giác như ánh sáng đom đóm, chợt lóe sáng hoặc đường ziczac của ánh sáng. Cũng có thể xuất hiện các triệu chứng thất ngôn, đau nhói, yếu chân tay, dị cảm… kèm theo.
Do tâm lý
Bệnh đau nửa đầu có thể do sang chấn tâm lý – thể xác, thiếu ngủ hoặc do ngủ quá nhiều, thường xuyên bỏ bữa ăn, uống rượu bia, đang trong thời kỳ kinh nguyệt, sử dụng thuốc tránh thai đường uống, ăn một số loại như chocolate…. cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Nếu trong gia đình có người bị đau nửa đầu, thì có thể bạn cũng có thể có nguy cơ bị.
Do liệt dây thần kinh
Đau nửa đầu kèm theo triệu chứng đau một bên mắt, buồn nôn, nôn, nhìn đôi… có thể do liệt vận nhãn ngoài thoáng qua. Có thể do liệt dây III, dây IV dây V tổn thương, làm xuất hiện những cơn đau kéo dài. Trường hợp này khá ít xảy ra, hay xuất hiện ở trường hợp dị dạng động mạch ảnh trong, nền đái tháo đường.
Nguyên nhân khác
Đau nửa đầu do chất dẫn truyền serotonin, khi giải phóng các chất dẫn truyền ở dây V, xuất hiện yếu tố viêm, hoặc do sự hoạt hóa nhân Raphe. Bệnh nhân có thể thấy dễ chịu hơn khi được nghỉ trong phòng tối, không gian yên tĩnh. Hoặc sử dụng thuốc giảm đau và một số loại thuốc co mạch khác. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần theo chỉ định và theo dõi của bác sĩ.
Bệnh đau đầu từng vùng
Bệnh nhân có thể thấy đau dữ dội một bên vùng quanh hốc mắt, xung huyết mũi cùng bên, chảy nước mũi, chảy nước mắt, xung huyết mắt đi kèm hội chứng Horner. Cơn đau thường xảy ra vào ban đêm, khiến bệnh nhân khó ngủ, có thể kéo dài đến 2 giờ.
Cơn đau mất đi tự phát sau đó vài tuần hoặc vài tháng lại đau, thời gian xuất hiện đau có thể vài ngày hoặc vài tuần. Một số trường hợp lại tái phát liên tục, có thể chuyển sang đau mạn tính. Một số bệnh nhân sẽ cảm thấy đau tăng khi uống rượu, sang chấn tâm lý, ánh sáng, một số loại thức ăn…
Đau đầu mạn tính hằng ngày
Tình trang đau đầu kéo dài trên 15 – 30 ngày. Loại này hay gặp trong các trường hợp bệnh lý tâm thần như: Trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, hoảng sợ, stress, lạm dung thuốc… Kèm theo các triệu chứng như hồi hộp, mất ngủ, đau dạ dày….
Tác hại của việc đau đầu quá lâu nhưng không điều trị
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu tình trạng đau đầu kéo dài quá 3 tháng có thể làm xuất hiện vấn đề thay đổi cấu trúc não. Đồng thời gây tổn thương não, sinh ra các gốc tự do trong cơ thể.
Đau đầu thường xuyên, kéo dài có thể làm tổn thương các tế bào thần kinh, mạch máu. Từ đó khiến bệnh nhân giảm năng suất làm việc, hay quên, lo âu, trầm cảm, hay cáu bẳn, thiếu tập trung…
Nhiều trường hợp đau đầu do tổn thương bên trong não như khối u chèn ép, dị dạng mạch máu não, khối máu đông trong não, u dây thần kinh chèn ép… Những vấn đề bất thường này khiến bệnh nhân đau đầu dai dẳng, dữ dội. Lúc này bệnh nhân cần được thăm khám, chẩn đoán với bác sĩ chuyên khoa và các thiết bị hiện đại. Nếu không được chấn đoán chính xác, không xác định đúng nguyên nhân và không được điều trị đúng phác đồ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Đó là vỡ mạch máu não, tăng áp lực nội sọ, sa sút trí tuệ, đột quỵ, tai biến, tử vong…
Vì vậy, nếu bạn đang bị đau đầu dai dẳng, thường xuyên hoặc thoáng qua, đã thử nhiều phương pháp thư giãn nhưng vẫn có triệu chứng đau, cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa Nội hoặc Nội thần kinh để được thăm khám. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời giúp ngăn chặn, hạn chế những tác hại nghiêm trọng có thể xảy đến. Chủ động nhận biết các triệu chứng và thăm khám sớm chính là biện pháp phòng và trị bệnh quan trọng nhất.