Thuốc chống đông máu được dùng để phòng ngừa và điều trị các bệnh do cục máu đông gây ra. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc chống cục máu đông có nhiều điều phải lưu ý. Bác sĩ và người bệnh cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu để xử trí kịp thời những tác dụng phụ của thuốc chống đông máu gây ra.
1. Các loại thuốc chống đông máu
Hiện nay có 3 nhóm thuốc chống cục máu đông chính được sử dụng trong điều trị và phòng ngừa các bệnh do máu đông gây ra.
- Heparin (gồm 2 loại Heparin trọng lượng phân tử bình thường và Heparin trọng lượng phân tử thấp):
Thuốc được dùng với đường tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch, không được tiêm bắp. Tùy vào trọng lượng phân tử của thuốc, tác dụng của Heparin là nhanh hay chậm. Heparin giúp ngăn ngừa hình thành huyết khối cả trong và ngoài cơ thể một cách nhanh chóng, do đó được dùng trong điều trị và dự phòng các bệnh như thuyên tắc phổi, chạy thận nhân tạo, huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới và hội chứng mạch vành cấp (điều trị kết hợp).
- Thuốc kháng vitamin K:
Đây là thuốc chống đông máu được dùng qua đường uống, thuốc được hấp thu nhanh qua đường ống tiêu hóa, tuy nhiên có tác dụng chậm, sau khi uống khoảng 2 – 5 ngày. Thuốc được dùng trong điều trị kháng đông máu kéo dài sau khi điều trị bằng Heparin bằng cách khử vitamin K trong tế bào gan.
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu (gồm 5 nhóm chính là Aspirin, Clopidogrel (Plavix), Ticlopidine (Ticlid), Dipyridamole (Aggrenox, Persantine) và Triflusal (Disgren)):
Đây là thuốc chống cục máu đông được sử dụng trong cầm máu sơ cấp với tác dụng phòng ngừa việc hình thành các nút chặn tiểu cầu. Thuốc chủ yếu được dùng ở những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, hội chứng mạch vành cấp, đau thắt ngực để phòng ngừa dài hạn những biến cố do cục máu đông trong động mạch gây ra.
Tham khảo thêm:
2. Tác dụng phụ của thuốc chống đông máu
Dưới đây là một số tác dụng phụ của thuốc chống đông máu cần được lưu ý khi sử dụng trong điều trị:
- Bầm tím dưới da
- Chảy máu ở chân răng hoặc mũi
- Nước tiểu và phân có màu hồng, đỏ, nâu, đen
- Bị rong kinh hoặc rong huyết
- Đau bụng, nôn ra máu
- Xuất huyết nội tạng hoặc xuất huyết não có thể dẫn đến tử vong.
Trong quá trình sử dụng thuốc chống cục máu đông nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu kể trên, người bệnh cần ngay lập tức thông báo cho bác sĩ hoặc được đưa đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc chống cục máu đông
Ngoài các tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra nêu trên, người bệnh cũng cần lưu ý các thông tin sau khi sử dụng thuốc chống cục máu đông:
- Uống thuốc đúng liều và liên tục vào khoảng thời gian cố định trong ngày.
- Không tự ý ngưng uống thuốc đột ngột mà không có chỉ định của bác sĩ.
- Nếu quên uống thuốc trong vòng 8 giờ thì có thể uống lại liều đã quên, nếu quá 8 giờ thì cần bỏ qua, không được uống liều gấp đôi.
- Tái khám và làm các xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ.
- Khi thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật hoặc khám bệnh phải báo cho bác sĩ điều trị biết.
- Không tự ý mua và uống thuốc vì thuốc chống cục máu đông có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác.
- Phụ nữ cần tránh mang thai trong quá trình dùng thuốc. Nếu dự định có thai hoặc có muốn nuôi con bằng sữa mẹ thì người bệnh cần thảo luận với bác sĩ.
- Trong thời gian dùng thuốc người bệnh cần hạn chế uống rượu bia và những loại thực phẩm có nhiều vitamin K nếu sử dụng thuốc chống đông máu kháng vitamin K.
Tham khảo thêm:
- Uống thuốc chống đông máu cần kiêng những gì?
- Những lưu ý khi sử dụng thuốc chống đông máu
- Có các loại thuốc chống đông máu nào?
Một trong những tác dụng phụ của thuốc chống đông máu là có thể gây xuất huyết, do đó khi uống thuốc người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ và thông báo kịp thời tình hình với bác sĩ.
Tổng hợp: https://duoc24h.net/